Nông nghiệp - Số hoá Mã số Vùng trồng

blog

Dựa theo quy định trong Luật trồng trọt 31/2018/QH14 - Điều 64. Quản lý và cấp mã số vùng trồng. Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.

 

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện và có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân đăng ký cấp mã số vùng trồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng lộ trình và hướng dẫn cấp mã số vùng trồng trên phạm vi toàn quốc. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai cấp mã số vùng trồng trên địa bàn theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

“Mã số vùng hiểu nôm na là một chứng nhận mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình SX, kiểm soát chất lượng sản phẩm, đồng thời đảm bảo nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng trồng đó (tránh tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số).” Theo Ông Lê Nhật Thành, GĐ Trung tâm Kiểm dịch thực vật

 

Vì sao cần phải đăng ký mã số vùng trồng: Dựa theo yêu cầu kiểm dịch thực vật nhập khẩu “Import Phytosanitary Requirement” đối với các mặt hàng là rau củ và trái cây tươi xuất khẩu sang các thị trường khó tính, yêu cầu về vùng trồng riêng cho loại hàng hóa dự kiến xuất khẩu được đăng ký và kiểm soát bởi Cơ quan Bảo vệ thực vật Quốc Gia (Cục Bảo vệ thực vật) là yêu cầu tiên quyết đầu tiên.

 

Việc cấp mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm.

 

Một số quốc gia yêu cầu trái cây của phía Việt Nam phải có mã số vùng trồng mới được phép xuất khẩu sang các nước này như: Hoa Kỳ, Úc, Trung Quốc. Đối với các vùng trồng đã được cấp mã số, nước NK có thể sang Việt Nam để kiểm tra đột xuất bất kỳ lúc nào về tình hình SX, việc đảm bảo vệ sinh ATTP, chất lượng sản phẩm… tại các vùng trồng.

 

Theo quy định của Trung Quốc quả tươi nhập khẩu vào nước này bắt buộc phải có thông tin truy xuất nguồn gốc và yêu cầu Cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu phải cung cấp thông tin mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói quả tươi cho Cơ quan thẩm quyền của phía Trung Quốc+. Để đảm bảo xuất khẩu quả tươi thuận lợi, đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện cấp thông tin vùng trồng và cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu. (3906/BNN-BVTV)

 

Đăng ký mã số vùng trồng như thế nào?
 

Các bước cấp mã số vùng trồng như sau: Tổ chức/cá nhân có nhu cầu xuất khẩu trái cây đệ trình yêu cầu lên Cục Bảo vệ thực vật (tại miền Bắc, Trung tâm KDTV SNK I phụ trách thực hiện công việc này).

 

Cục Bảo vệ thực vật xem xét, rà soát các tài liệu do tổ chức/cá nhân đệ trình. Nếu các tài liệu cần thiết đã được đáp ứng, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiến hành kiểm tra, khảo sát vùng trồng trái cây xin cấp mã số. Trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của nước nhập khẩu, cán bộ của Cơ quan BVTV nước nhập khẩu có thể đi theo để cùng đánh giá.

 

Sau khi kiểm tra và khảo sát, nếu vùng trồng đáp ứng đầy đủ tất cả các tiêu chí kỹ thuật,Cục BVTV sẽ tiến hành cấp mã số vùng trồng (Production Unit Code – P.U.C). Trong trường hợp vùng trồng chưa đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn, Cục BVTV sẽ chỉ đạo các biện pháp khắc phục. Tổ chức/cá nhân xin cấp có thể tiếp tục đăng ký sau khi đã hoàn thiện các yêu cầu còn thiếu.

 

Cục BVTV sẽ thông báo kết quả và mã số vùng trồng cho tổ chức/ cá nhân đăng ký và gửi mã số đó sang Cơ quan BVTV Quốc gia của nước nhập khẩu. Riêng đối với thị trường Mỹ, Cơ quan BVTV của nước này sẽ cấp lại mã số IRADS (Irradiation Reporting and Accountability Database) dựa trên mã số P.U.C của Cục BVTV. Trường hợp xuất trái cây vào Mỹ, thùng hàng phải có đầy đủ thông tin của 2 loại mã số trên.

 

Các tiêu chí cần có để cấp mã số cho vùng trồng:

 

Yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân xin cấp mã số

Tổ chức, cá nhân xin cấp mã số cho vùng trồng trái cây xuất khẩu phải gửi những bộ hồ sơ bao gồm những loại giấy tờ sau đây đến cơ quan Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu – Cục Bảo vệ thực vật:

 

(1) Đơn xin cấp mã số vùng trồng;

 

(2) Đối với doanh nghiệp, gửi đầy đủ thông tin cần thiết của người đại diện công ty (chứng minh thư (hộ chiếu), giấy đăng ký kinh doanh của công ty) với bản sao có công chứng;

 

(3) Thông tin về người đại diện của vùng trồng xin cấp mã số (chứng minh thư (hộ chiếu), giấy chứng nhận qua lớp tập huấn về VietGAP) với bản sao có công chứng;

 

(4) Giấy chứng nhận VietGAP cho vùng trồng xin cấp mã số (nếu có).

 

Yêu cầu diện tích và điều kiện canh tác trong vùng trồng

– Diện tích vùng trồng có thể dao động từ 6 – 10 ha/mã; không được quá 12 ha/ mã để tiện cho việc quản lý;

– Vùng trồng trái cây xuất khẩu có thể không có chứng nhận VietGAP hoặc chứng chỉ tương đương (GlobalGAP….) nhưng việc canh tác trong vùng phải tuân theo quy trình VietGAP hoặc các quy trình tương đương.

– Vùng trồng xin cấp mã số phải là vùng sản xuất tập trung, không có nhà dân hoặc chợ, chăn thả gia súc, gia cầm trong bên trong vùng trồng.

– Vùng trồng xin cấp mã số phải trồng duy nhất 1 loại giống cây ăn quả.

– Không trồng xem các loại cây trồng cùng họ với cây trồng chính hoặc các cây ký chủ của các loài dịch hại là đối được KDTV của nước nhập khẩu theo kết quả của báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại (PRA).

Yêu cầu về sổ sách ghi chép là điều bắt buộc thực hiện nghiêm

– Tổ chức, cá nhân đăng ký xin cấp mã số phải có sổ sách để đảm bảo việc ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong 1 vụ canh tác (đốn tỉa, chăm sóc, bón phân, phun thuốc…) phải được ghi lại đầy đủ, rõ ràng.

– Nếu vùng trồng gồm nhiều hộ gia đình thì mỗi hộ trong vùng trồng phải có 1 quyển sổ ghi chép, người đại diện của vùng trồng phải có trách nhiệm tổng hợp thông tin từ sổ ghi chép của từng thành viên trong mã số và ghi lại vào sổ chính để trình cơ quan quản lý khi được yêu cầu.

– Yêu cầu về sổ sách là rất quan trọng nhằm phục vụ cho công tác giám sát, duy trì mã số cũng như truy xuất nguồn gốc khi trái cây có vấn đề ở nước nhập khẩu (dư lượng thuốc, dịch hại….).

 

Yêu cầu về vệ sinh trên đồng ruộng / trang trại:

– Xung quanh và bên trong vùng trồng phải sạch cỏ dại, đặc biệt là bao bì, chai lọ, túi nilon thuốc BVTV, phân bón, hoặc các loại giấy rác khác.

– Phải có 1 khu vực riêng để tập kết và tiêu hủy bao bì, chai lọ, túi nilon thuốc BVTV, phân bón, hoặc các loại giấy rác của cả vùng trồng.

Yêu cầu ghi nhận về thành phần dịch hại trong vùng sản xuất:

– Cơ quan kiểm tra sẽ tiến hành điều tra, thu mẫu và giám định thành phần dịch hại đang có trên vùng trồng trái cây xuất khẩu.

– Vùng trồng trái cây chỉ được cấp mã khi không có loài dịch hại nào là đối tượng kiểm dịch thực vật (KDTV) của nước nhập khẩu theo kết quả của báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại (PRA) hoặc tổ chức/cá nhân xin cấp mã phải có biện pháp kiểm soát và phòng trừ đảm bảo loài dịch hại đó không xuất hiện trên đồng ruộng. Cơ quan kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ để giám sát vấn đề dịch hại.

Yêu cầu ghi nhận về sử dụng thuốc BVTV trong vùng trồng xuất khẩu:

– Vùng trồng trái cây xuất khẩu phải sử dụng 1 bộ thuốc BVTV (thuốc trừ bệnh, trừ sâu và thuốc cỏ) đảm bảo không chứa các hoạt chất hóa học mà nước nhập khẩu cấm sử dụng.

– Bộ thuốc sử dụng này phải được sự xác nhận của Chi cục Trồng trọt & BVTV địa phương.

 

Mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết và bắt buộc đối với những thị trường xuất khẩu khó tính và là một trong những yếu tố phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tại cửa khẩu, Hải quan nước nhập khẩu sẽ kiểm tra nguồn gốc các lô hàng thông qua tem truy xuất nguồn gốc. Nếu lô hàng không nằm trong các vùng trồng đã được cấp mã số thì sẽ bị từ chối nhập khẩu và gây ra khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Hiện tại 2VN.vn một giải pháp truy xuất nguồn gốc chất lượng chuỗi cung ứng áp dụng công nghệ Blockchain (thuộc hệ sinh thái chuỗi sản phẩm công nghệ của DGK) đã cung cấp đầy đủ công cụ cho doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hoá của mình một cách hiệu quả và hiện đại. Chúng tôi luôn thay đổi để cải thiện giải pháp nhằm đáp ứng tối đa tiện nghi cho doanh nghiệp.

 

Nông nghiệp . DGK

Thông tin liên hệ tư vấn:

 

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ DIGITAL KINGDOM

Phone : (+84) 902 561 183

Email : info@dgk.vn

Website : https://dgk.vn/

Facebook: https://www.facebook.com/DigitalGlobalKingdom

CHUYÊN MỤC THẢO LUẬN CHUYỂN ĐỔI SỐ

Trao đổi thông tin, tài liệu, dự án về các hoạt động chuyển đổi số của Việt Nam và Quốc tế
Cập nhật các công nghệ, nền tảng, kỹ năng chuyển đổi số hữu ích...

THAM GIA THẢO LUẬN
(+84) 902 561 183