Blockchain đã từng bước 'thay da đổi thịt' ngành nông nghiệp ra sao?
(DNTO) - Việc ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ chuỗi khối (Blockchain) vào sản xuất nông nghiệp sẽ là “cây đũa thần” giúp nông sản Việt thăng hạng và tự tin quảng bá thương hiệu ra thế giới.
Tiềm năng ứng dụng AI, IoT hay blockchain trong nông nghiệp là vô tận giúp gia tăng sản lượng cũng như lợi nhuận sản xuất. Ảnh: TL.
Giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường với lợi nhuận "khổng lồ"
Là một nước xuất khẩu gạo, chè, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá... với sản lượng lớn nhất nhì thế giới, nhưng những sản phẩm nông sản Việt Nam lại ít tạo nên dấu ấn với người tiêu dùng thế giới vì không có tên tuổi hoặc khả năng cạnh tranh yếu kém.
Số liệu thống kê của Cục Sở hữu Trí tuệ cho thấy, có đến 80% hàng nông sản của Việt Nam bán ra thị trường quốc tế bị “đội lốt” các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản đang trở thành yếu tố rất quan trọng để có thể trở thành một cường quốc nông nghiệp. Theo đó, ứng dụng công nghệ blockchain vào mỗi sản phẩm sẽ là "cứu cánh" cho người tiêu dùng trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn một cách minh bạch..., đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
“Qua việc nắm được "đường đi nước bước" của hàng hoá, khách hàng sẽ bao quát được các sản phẩm ở mỗi vùng quê đang triển khai, đặc biệt các nhà đầu tư chiến lược trên thế giới sẽ yên tâm khi rót vốn đầu tư vào những sản phẩm an toàn ở Việt Nam”, ông Hoàng Xuân Trường, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển hệ thống nông nghiệp, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nhận định.
Không những vậy, blockchain còn hiện thực hóa một cách mau lẹ cả bộ môn từng được cho là khoa học viễn tưởng khi trợ giúp người nông dân chỉ ngồi một chỗ từ rất xa có thể tưới tiêu, chăm bón, thu hoạch và "bán" cả một cánh đồng rộng lớn chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh. Và đây cũng mới chỉ là một phần nhỏ trong tiềm năng của những IoT, AI, robot và drone trong thời gian tới. Điều này sẽ giúp phá vỡ lối sản xuất truyền thống và đẩy người nông dân ra ngoài “cuộc chơi”.
“Từ khi ứng dụng blockchain, chỉ với 1 cú click chuột, người tiêu dùng có thể biết được hiện nay các Hợp tác xã trên toàn quốc đang có những sản phẩm gì, quy trình sản xuất ra sao, dự báo sản lượng, thời vụ sẽ là bao nhiêu... , giúp cho doanh nghiệp bớt nhọc nhằn trong việc tìm kênh phân phối”, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn nhận định.
Bằng việc tham gia kết nối thương mại điện tử nông sản trên Cổng blockchain chuyển đổi số ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Hợp tác xã Mật ong Cường Nga (Hà Tĩnh) cho biết, việc giao thương của Hợp tác xã vẫn diễn ra thuận lợi trong thời gian giãn cách, thông qua hình thức bán hàng trực tuyến, tiêu thụ được hơn 7.000 lít mật ong, thu về hơn 3 tỷ đồng.
Ông Vũ Hồ Vũ, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư Digital Kingdom (DGK) cho biết, hiện nay nhiều Hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ Blockchain của Công ty để truy xuất nguồn gốc. Có 59 Chi cục Phát triển nông thôn, 160 cán bộ địa phương và hơn 600 cán bộ Hợp tác xã đã sử dụng công nghệ này: "Nhờ việc chuyển đổi số này, thời gian qua, hơn 2.500 tấn sầu riêng, 100 tấn khoai lang, 80 tấn bưởi, 200 tấn xoài, chôm chôm, vải… được hỗ trợ. Tổng giá trị đơn hàng lên tới gần 400 tỷ đồng".
TS Chris Berg, thành viên nghiên cứu chủ chốt của Trung tâm Đổi mới sáng tạo blockchain thuộc ĐH RMIT, nhìn nhận, blockchain đang đóng vai trò như hạ tầng kinh tế nền tảng, đặc biệt là chuỗi cung ứng thông tin. Nhờ đó có thể trả lại giá trị cho người thực sự tạo ra hàng hóa, cho nông dân, hơn là trải dài trên toàn chuỗi cung ứng hay bị giữ lại ở tận cuối chuỗi như các nhà hàng hay siêu thị.
“Điều này sẽ giúp nông dân Việt Nam nắm giữ thêm giá trị và không chỉ họ mà kinh tế địa phương cũng sẽ được lợi vì chất lượng sản phẩm phụ thuộc vào thông tin về sản phẩm đó. Mặt khác nếu nông dân, doanh nghiệp Việt Nam làm hiệu quả thì công nghệ này là công cụ hết sức mạnh mẽ giúp nâng tầm thương hiệu quốc gia”, TS Chris Berg nói.
Đặc biệt, là sự "đột phá" trong việc giải quyết các trở ngại trong xuất nhập khẩu nông sản, hàng hoá. Ông Quân Lê, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Binkabi cho biết, sử dụng sàn giao dịch Barter Block của Binkabi với cơ chế hàng đổi hàng thông minh, cho phép việc xuất khẩu được tiến hành trực tiếp, thanh toán bằng nội tệ. Giải pháp này giúp đôi bên cùng có lợi, nhà xuất khẩu bán được với giá cao hơn còn nhà nhập khẩu mua với giá thấp hơn do không qua trung gian, giảm chi phí giao dịch.
"Việc xuất nhập khẩu hiện nay thường phải thông qua các trung gian. Điều này khiến chi phí giao dịch trong xuất nhập khẩu cao, từ 15% đến 20%, dẫn đến việc bên xuất khẩu trả giá cho người nông dân thấp còn bên nhập khẩu phải chịu đội giá trong chế biến nông sản", ông Quân Lê cho hay.
Để blockchain thực sự "đổ bộ" vào nông nghiệp?
Ứng dụng blockchain không chỉ tạo điều kiện cho hộ nông dân nhỏ đầu tư vào nông nghiệp mà còn giúp họ giảm bớt khó khăn về thanh khoản. Ảnh: TL.
Trong một chương trình talk show gần đây tại Hà Nội, ông Adam Christopher Chaplin, Giám đốc điều hành nền tảng cầm đồ phi tập trung trên DeFi For You nói rằng, sau nhiều thập kỷ mờ nhạt trong lĩnh vực số, đây là "thời điểm vàng" để phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam, nhất là lĩnh vực nông nghiệp vẫn được coi là "trụ đỡ" của nền kinh tế,
"Tiềm năng phát triển công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn, với nhiều cơ hội đang chờ được khai thác trong tương lai. Việt Nam nên sớm tạo điều kiện phát triển công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo nhờ xu hướng chuyển đổi số, năng lực tính toán tiên tiến và sự xuất hiện của các tập dữ liệu kích thước lớn", ông Adam Christopher Chaplin nhìn nhận.
Nêu thực trạng, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VietTrace Verified cho rằng, nông nghiệp Việt Nam là ngành có lợi thế nội trội so với các ngành khác và luôn có thặng dư thương mại. Tuy nhiên, đầu tư vào nông nghiệp đang đặt ra một dấu hỏi lớn, bởi cơ hội để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là hiện hữu, nhưng đầu tư vào nông nghiệp còn rất “èo uột”.
"Công nghệ blockchain được coi như một phương thức có thể dùng trong các mô hình nông nghiệp và mang lại hiệu quả cao. Nhưng hiện nay, tính ứng dụng của công nghệ Blockchain vào sản xuất nông nghiệp hầu như là mô hình thử nghiệm mà chưa có mô hình thực tế cụ thể áp dụng rộng rãi. Do đó, mong muốn đặt ra cần có mô hình công nghệ thật tốt để liên kết với nông dân và áp dụng vào sản xuất một cách hiệu quả", bà Minh băn khoăn.
Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Nguyễn Hoàng, giảng viên Đại học California Davis (Mỹ), đánh giá, chúng ta chưa đủ nguồn nhân lực và am hiểu sâu về công nghệ này. Rất cần sự vào cuộc của các nhà công nghệ và nhà hoạch định chính sách để thúc đẩy ứng dụng công nghệ blockchain.
"Cần thiết phải xây dựng hệ sinh thái tri thức cho nền nông nghiệp thông minh. Trong đó, cốt lõi là công tác xây dựng cầu nối, hấp thu công nghệ từ nước ngoài một cách có hệ thống, chuyên môn hoá nông nghiệp trong nước, giảm bớt chi phí nghiên cứu trong nước mà vẫn đảm bảo hiệu quả cuối cùng", ông Hoàng nêu giải pháp.
Bên cạnh đó, để thực hiện được mục tiêu “Chuyển đổi số phục vụ kinh tế tuần hoàn nông nghiệp”, bên cạnh sự vai trò của Chính phủ, sự tham gia của giới nghiên cứu khoa học và cộng đồng thì không thể thiếu sự vào cuộc quyết liệt hơn của các doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp sẽ là những người đặt hàng các sản phẩm ứng dụng công nghệ nông nghiệp theo nhu cầu thị trường... Do đó, doanh nghiệp cần có những chương trình thúc đẩy phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, huy động sự tham gia của xã hội vào chuỗi giá trị sản phẩm bằng việc ứng dụng các giải pháp thúc đẩy mô hình công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn", ông Hoàng nhận định.
Bày tỏ mong muốn có nhiều chính sách hấp dẫn hơn nữa để đẩy mạnh công nghệ blockchain trong nông nghiệp, TS. Nguyễn Đức Tùng, Tổng thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam nêu đề xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể kết hợp với các Tập đoàn để cấp học bổng cho sinh viên ngành nông nghiệp, hấp dẫn những sinh viên có học vấn, năng lực tốt tham gia vào ngành.
“Nếu thực hiện được điều này, trong vòng 5-10 năm tới, chúng ta sẽ có được nhóm nhân lực chủ chốt để thích ứng hoặc sáng tạo ra công nghệ, bù đắp được khuyết thiếu trong quá trình đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam”, ông Tùng nhận định.